GẮN TÊN ĐỊNH DANH SỐ ĐIỆN THOẠI - GIẢI PHÁP HỮU HIỆU CHỐNG LỪA ĐẢO QUA ĐIỆN THOẠI
Gắn tên định danh số điện thoại - Giải pháp hữu hiệu chống lừa đảo qua điện thoại
Trong thời đại công nghệ phát triển, lừa đảo qua điện thoại di động đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo thống kê, hàng năm có hàng ngàn người bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng thông qua những cuộc gọi giả danh từ các số điện thoại lạ. Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia khuyến nghị nên gắn tên định danh cho các số điện thoại thường xuyên giao dịch với người dân. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu giúp người dân dễ dàng nhận biết được số điện thoại lừa đảo, từ đó có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Trong Hội nghị giao ban của Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) về công tác quản lý nhà nước ngày 3/10 với các cơ quan, đơn vị trong Bộ, Cục Viễn thông Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết đang tổng hợp danh sách các số điện thoại của những đơn vị thuộc Bộ có giao tiếp với người dân để thực hiện gắn tên định danh.
Theo số liệu của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, thời gian qua, lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi tuần có khoảng 400 phản ánh của người dùng internet về các trường hợp lừa đảo. Trong đó, nhiều hơn cả là các trường hợp giả mạo ngân hàng, trang thương mại điện tử, các cơ quan có thẩm quyền... Bên cạnh đó, thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn SIM rác, tuy nhiên tình trạng rao bán SIM rác trên thị trường vẫn còn. Bộ TT&TT cũng đã vào cuộc quyết liệt với mục tiêu quản lý chặt thông tin thuê bao di động để hạn chế tình trạng tận dụng các SIM rác thực hiện các hành vi lừa đảo người tiêu dùng...
Nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo qua không gian mạng, lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết đã thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, gửi văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị trong Bộ cung cấp danh sách các số điện thoại thường xuyên giao dịch với người dân để triển khai gắn tên định danh của Bộ.
Sau khi thực hiện việc gắn tên định danh cho các số điện thoại, sẽ công bố rộng rãi việc các cuộc gọi tới người dân xưng danh là Bộ TT&TT nhưng không hiện tên định danh là những cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, từ đó, sẽ giúp giảm bớt vấn nạn lừa đảo bằng cách gọi điện mạo danh Bộ TT&TT và các đơn vị.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh quan điểm “Chống lừa đảo trực tuyến là việc không thể không làm, là việc chúng ta phải làm và làm quyết liệt”, Bộ TT&TT sẽ làm gương tiên phong, gắn tên định danh cho các số điện thoại tương tác với người dân.
“Cục Viễn thông cần có văn bản đề nghị các Bộ, ngành khác như Công an, Tòa án, Ngân hàng... thực hiện việc gắn tên định danh cho các số điện thoại có liên hệ, giao dịch với người dân để các Bộ, ngành chung tay cùng Bộ TT&TT thực hiện việc chống lừa đảo trên không gian mạng. Mặt khác, Cục Viễn thông cần lập các tổ công tác để tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ tình trạng rao bán SIM rác trên thị trường; có giải pháp hạn chế, thậm chí là dừng phân phối SIM qua các đại lý. Đề nghị báo chí vào cuộc phản ánh tuyên truyền mạnh các doanh nghiệp nào còn bán trên mạng, qua kênh đại lý để báo về Bộ xử lý” - Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cũng đã yêu cầu Cục An toàn thông tin, Cục Báo chí và báo VietNamNet cân nhắc để có 1 nơi tổng hợp tất cả các loại hình lừa đảo, cách thức phòng chống lừa đảo giúp người dân thuận tiện theo dõi và phòng tránh. Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng đặc biệt yêu cầu Báo VietNamNet đẩy mạnh phổ biến các kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng để người dân có thể nhận biết và ứng phó với các tình huống lừa đảo qua không gian mạng.
Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc với các ngân hàng để tiến tới việc phải có tên định danh khi các đơn vị liên hệ với khách hàng. Điều này nhằm giúp người dùng di động yên tâm, tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Bên cạnh việc định danh cuộc gọi của cơ quan công quyền, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ xây dựng sổ tay online nhằm cung cấp kiến thức cho người dân về các kinh nghiệm phòng chống lừa đảo trực tuyến.
Chia sẻ với báo chí về giải pháp khắc phục tình trạng lừa đảo qua không gian mạng, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, các doanh nghiệp phải sử dụng tên định danh khi liên hệ với người dùng di động. Cơ quan công quyền như tòa án, công an, viện kiểm sát cũng phải dùng tên định danh khi gọi tới người dân.
Các nhà mạng đã xây dựng xong giải pháp kỹ thuật, trong tháng 9, 10 sẽ triển khai đến các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương có liên hệ với người dân. “Các cơ quan nhà nước khi gọi đến công dân đều phải có tên định danh, cuộc gọi phải hiện tên đích danh cơ quan. Khi đó, bất cứ số máy lạ, không hiển thị có tên định danh gọi đến xưng danh đại diện cơ quan công quyền đều là lừa đảo”, Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ.
Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng
- HƯỚNG DẪN CÀI ĐẶT ỨNG DỤNG VNEID trong giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường số
- Chuyển đổi số và điều kiện thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước
- THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
- KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ 2020-2025 ĐẾN NAY
- CHUYỂN ĐỔI SỐ
- SỔ SỨC KHỎE ĐIỆN TỬ LÀ GÌ
- GẮN TÊN ĐỊNH DANH SỐ ĐIỆN THOẠI - GIẢI PHÁP HỮU HIỆU CHỐNG LỪA ĐẢO QUA ĐIỆN THOẠI
- LỪA ĐẢO QUA MẠNG: TỐ CÁO Ở ĐÂU? SỐ ĐIỆN THOẠI BÁO LỪA ĐẢO?
- MÃ ĐỘC TỐNG TIỀN LÀ GÌ?
- MOCHA LÀ ỨNG DỤNG GÌ?