Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Văn  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa hiện có 559 đơn vị hành chính cấp xã, dân số có hơn 3,64 triệu người. Đảng bộ tỉnh có 31 đảng bộ trực thuộc, 1.727 tổ chức cơ sở đảng, với trên 226 nghìn đảng viên.

Sau 16 năm thực hiện Quyết định số 1206-QĐ/TU, ngày 23/12/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thành lập Ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn, đến nay 559/559 xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Tuyên giáo và đi vào hoạt động có nền nếp; số lượng 4.533 người, (trung bình mỗi ban có từ 7-9 người), độ tuổi bình quân là 45 tuổi; Nam là: 3.620 người (79,8 %), nữ là 913 người (20,2%); dân tộc Kinh là: 3.644 người (80,4%), dân tộc khác: 889 người (19,6%); Tôn giáo có 22 người (0,48%).

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, cùng với hệ thống cộng tác viên từ xã, phường, thị trấn đến thôn làng, khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản, các đoàn thể… là lực lượng quan trọng trong công tác giáo dục và động viên cán bộ, đảng viên làm theo Điều lệ Đảng, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Giám sát, phát hiện kịp thời, tham mưu cấp uỷ biện pháp giải quyết những vấn đề tư tưởng mới phát sinh, đồng thời trực tiếp cổ vũ, nhân rộng gương người tốt, việc tốt để giáo dục sâu rộng trong Đảng, trong nhân dân. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng hoạt động của công tác tuyên giáo ở cơ sở vẫn còn bộc lộ những hạn chế, như: Công tác tư tưởng chưa sắc bén, kịp thời; công tác tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; triển khai thực hiện nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, của cấp uỷ các cấp chưa thật sự tích cực, đồng bộ và thường xuyên, có mặt chưa nghiêm túc, có nơi còn triển khai chậm, chưa đến với người dân; sơ kết, tổng kết còn có biểu hiện hình thức; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa đều, chưa thường xuyên, có nơi còn hình thức; công tác tham mưu trên một số lĩnh vực tuyên giáo còn chưa kịp thời, nhạy bén, một số mặt chậm đổi mới chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đơn vị, "binh chủng" trong khối tư tưởng, khoa giáo có lúc chưa nhịp nhàng, hiệu quả, do đó chưa tạo sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức và đấu tranh phê phán những biểu hiện lệch lạc, quan điểm sai trái, thù địch...

Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của ban tuyên giáo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, của đất nước trong tình hình mới. 

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Tuyên giáo xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cấp ủy, chính quyền các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo cơ sở tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên giáo ở cơ sở

Cấp uỷ xác định rõ công tác tuyên giáo cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Do vậy cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp làm công tác tuyên giáo, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời. Cần thống nhất quan điểm, nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng, tác dụng to lớn của công tác tuyên giáo đối với mọi hoạt động ở cơ sở. Khắc phục những biểu hiện coi nhẹ, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, thậm chí khoán trắng cho cán bộ tuyên giáo.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo tạo sự thống nhất cao hơn nữa trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.

Tiếp tục đổi mới việc tổ chức triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy các cấp. Xây dựng quy trình chuẩn bị và tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, tạo sự thống nhất chung trong toàn Đảng bộ. Gắn kết chặt chẽ việc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết với việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của địa phương, đơn vị. 

Đổi mới hình thức nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, cùng với phương pháp truyền thống là học tập trực tiếp tại hội nghị, kết hợp truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên hệ thống đài phát thanh - truyền hình, đài truyền thanh cơ sở; tăng cường thông tin trực tuyến trong triển khai một số nghị quyết, chỉ thị có tính phổ biến rộng rãi.

Tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội. Với mỗi nội dung tuyên truyền trọng tâm phải có đề cương tuyên truyền, tài liệu hỏi - đáp cô đọng, dễ nhớ, dễ thực hiện để phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tăng cường công tác điều tra dư luận xã hội bằng nhiều hình thức để nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội về những chủ trương, chính sách chuẩn bị ban hành; những chủ trương, chính sách đã ban hành đang đi vào cuộc sống; tạo cơ sở thực tiễn quan trọng, bảo đảm tính khoa học trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến người dân của cấp ủy, chính quyền.

Ba là, đổi mới phương thức hoạt động tuyên giáo ở cơ sở. 

Đa dạng hoá các hình thức tiến hành công tác tuyên giáo ở cơ sở, làm cho công tác tư tưởng luôn phong phú, sinh động, đáp ứng yêu cầu của mọi đối tượng, trong mọi hoàn cảnh. Tuỳ theo đặc điểm về địa lý, phân bố dân cư, số lượng cán bộ, đảng viên ở từng cơ sở mà xác định, lựa chọn các hình thức học tập, tuyên truyền cổ động, thông tin thời sự, chính trị… Sử dụng mọi phương tiện, mọi lực lượng sẵn có, tận dụng mọi thời gian, không gian và cơ hội để tuyên truyền giáo dục. Khắc phục khuynh hướng “hành chính hoá” công tác tuyên giáo. Đây là khuynh hướng đã và đang làm cho công tác tuyên giáo ở nhiều địa phương trở nên xơ cứng, gò ép, thiếu sức sống.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nêu cao vai trò gương mẫu, tinh thần tự học, tự rèn luyện, nói đi đôi với làm, nói và làm đúng theo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. 

Phát động các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương các điển hình, mô hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Năm là, công tác tuyên giáo phải gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh 

Các cấp ủy, chính quyền phải khẳng định và chỉ đạo thực hiện tốt quan điểm công tác tuyên giáo phải trở thành một bộ phận, một thành tố hữu cơ, gắn chặt với toàn bộ quá trình triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa và các lĩnh vực khác; nhất là những vấn đề tồn tại từ lâu và những vấn đề mới nảy sinh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế (chính sách về phát triển kinh tế, đầu tư, xây dựng nông thôn mới, về đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách về an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo...).

Sáu là, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các lực lượng, mở rộng dân chủ, đẩy mạnh công tác tuyên giáo trong các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện tốt phương châm “Toàn Đảng làm công tác tư tưởng”, “Lấy quần chúng giáo dục quần chúng”, gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ công tác tuyên giáo. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các phương tiện trong công tác tuyên giáo; mở rộng, tăng cường sử dụng hình thức đối thoại trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Coi trọng hình thức học tập lý luận chính trị thông qua các đoàn thể, thôn, xóm, tổ dân phố, các trung tâm học tập cộng đồng. 

Để thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp trên đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn bộ hệ thống chính trị để công tác tuyên giáo ở cơ sở hoạt động thiết thực, hiệu quả góp phần cùng toàn Đảng bộ "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ thời cơ, vận hội mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại" như Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra./.

ThS. Trịnh Khắc Bân - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
319993

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289